Vụ án Tukhachevsky Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky

Quan hệ với Stalin và Voroshilov

Chiến dịch Wisla 1920 luôn là đầu mối bất hoà giữa Tukhachevsky và các tướng lĩnh thuộc Phương diện quân Tây Nam. Được nhuộm màu chính trị, cho đến cuối thập kỷ 20, quan điểm quy lỗi cho Tukhachevsky dần trở thành chính thống kể cả trong giới nghiên cứu ở Học viện Frunze[29][Gc 8]. Thế nhưng Tukhachevsky không chịu để uy tín cầm quân của mình bị tổn hại, khiến chủ đề Wisla lan rộng trong các cuộc tranh luận và bị diễn dịch thành nguy cơ cho uy tín cá nhân của Stalin[Gc 9].

Quan hệ giữa Tukhachevsky và Voroshilov không hề êm đẹp. Do Voroshilov là Chính uỷ Tập đoàn quân Kỵ binh số một trong thời gian chiến dịch Wisla, lại thiếu kiến thức căn bản về quân sự[32] nên Tukhachevsky không hề né tránh khi vạch ra những sai sót của Voroshilov mỗi khi liên quan đến công việc[Gc 10]. Còn về phía Voroshilov, theo lời của Zhukov là "rất ghét Tukhachevsky"[33]. Đây là lý do mà Voroshilov "không hề nhúc nhích ngón tay" khi Tukhachevsky bị bắt[33].

Vụ án Tukhachevsky

Lễ duyệt binh ngày 1 tháng 5 năm 1937 là lần cuối cùng Tukhachevsky xuất hiện trước quân đội.[34] Trong cùng ngày, Tukhachevsky được thông báo là ông bị thay thế trong vai trò đại diện cho Chính phủ Liên Xô tham dự lễ tấn phong của Vua Anh George VI.[34] Không lâu sau đó, ông bị miễn nhiệm ở vị trí Phó Dân ủy Quốc phòng và được điều tới chỉ huy Quân khu Volga. Ngày 22 tháng 5 năm 1937, ông bị bắt ở Saratov và bí mật chuyển về Moskva bằng xe tù.[34][Gc 11] Ngày 2 tháng 6, trong một cuộc họp của 116 tướng lĩnh cao cấp của Hồng quân, Stalin lên tiếng về vụ bắt giữ là "không nghi ngờ gì nữa, một âm mưu quân sự - chính trị do bè lũ phát - xít Đức kích động và tài trợ chống lại Nhà nước Liên Xô đã xảy ra".[35]

Trong 3 tuần bị giam, theo các tài liệu được công bố trên tờ Pravda năm 1988, ông đã bị tra tấn, buộc phải nhận tội làm gián điệp cho Đức Quốc xã[33]. Bản nhận tội của ông - được đăng trên cùng số báo - còn dính lấm tấm những vết máu có hình dạng bất thường, được xác minh là rơi ra từ một thân thể đang chuyển động, tức là ông đang cố gượng dậy khi bị đánh vào đầu vào thời điểm "thú tội"[33]. Bằng bản cung ép buộc đó, Tukhachevsky bị kết án tử hình cùng với 7 nhà lãnh đạo khác của Hồng quân trong phiên xử kín được biết dưới tên "Vụ án bè lũ phản cách mạng Trotskyist trong Hồng quân" vào ngày 11 tháng 6. Ông bị xử bắn ngay sau khi án được tuyên.

Sau khi ông bị tử hình, con gái ông - Svetlana, lúc đó mới 12 tuổi - bị bắt đưa về trại mồ côi dành cho con em "kẻ thù của nhân dân" và đến 17 tuổi thì bị đưa vào trại GULag. Vợ ông lẫn người vợ đã ly hôn trước đó đều bị bắt, bị kết án đày ở Siberia và sau đó đều bị bắn[Gc 12]. Mẹ ông và các anh chị em ông đều bị bắt đi đày rồi chết trong thời gian bị đày hoặc bị xử tử trong khoảng vài năm sau đó[33].

Tuy nhiên, Tukhachevsky chỉ là sự khởi đầu, vì trong 4 năm sau đó, 3/5 Nguyên soái[Gc 13], 14/16 Tư lệnh Tập đoàn quân, 60/87 Quân đoàn trưởng, 136/199 Sư đoàn trưởng, tổng cộng 40.000 sĩ quan Hồng quân lần lượt trở thành "kẻ thù của nhân dân" trong cuộc đại thanh trừng[37].

Nguyên nhân của vụ án

Trong thời gian Chiến tranh lạnh, một số nhà sử học đặt nghi vấn rằng các điệp viên Đức, dưới sự chỉ đạo của Heinrich HimmlerReinhard Heydrich đã phát tán các tài liệu giả về mối quan hệ giữa M. N. Tukhachevsky với Bộ Tổng tham mưu Quân đội Đức Quốc xã để gieo rắc nghi ngờ ở Stalin, qua đó làm Hồng quân suy yếu.[38] Theo giả thiết này, các tài liệu giả được chuyển cho tổng thống Tiệp Khắc Edvard Beneš, ông này tin tưởng vào giá trị của chúng và đã trao nó cho Stalin.[38]

Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ được công bố sau khi Liên Xô sụp đổ cho thấy rằng chính NKVD (НКВД СССР) đã đứng đằng sau kế hoạch này[38] khi thông qua một điệp viên của mình chuyển thông tin giả cho Reinhard Heydrich, còn Reinhard Heydrich thì chớp cơ hội bịa ra những tài liệu đáng tin cậy hơn và chuyển trở lại cho các nguồn trung gian.[38] Cũng theo nguồn tài liệu lưu trữ này được phân tích bởi sử gia Mỹ J. Arch Getty, thì Tukhachevsky được Stalin nhận định là không thuộc nhóm "Đảng trước, Quân đội sau" như Voroshilov và Budenny,[39] trong khi chính sách của Stalin trong nửa sau năm 1937, là "tiêu diệt bất kỳ ai nghi ngờ có biểu hiện hoặc có tiềm năng là không trung thành với nhóm Stalin".[40] Thái độ này của Stalin cũng được sử gia Otto Preston Chaney xác nhận khi cho rằng "một số nhân chứng trong cuộc khẳng định rằng kế hoạch buộc tội Tukhachevsky do NKVD chuẩn bị và thực hiện không thể không được Stalin thông qua".[31]

Phục hồi danh dự 20 năm sau

Con tem năm 1963 của Liên Xô ghi nhận công lao M. N. Tukhachevsky, (trên nền con tem là biểu tượng của "Tác chiến chiều sâu").

Trong bản hồi ký tái bản năm 1991,[Gc 14] Zhukov viết về bản án của Tukhachevsky là "sự lãng phí to lớn nhất của quân đội chúng ta và của cả chính quyền Xô Viết".[33] Vì thế, sau khi Stalin mất và Khrushchev lên kế nhiệm, mở đầu cho phong trào bài trừ ảnh hưởng của Stalin thì cũng là lúc Zhukov và nhiều tướng lĩnh lên tiếng đòi phục hồi cho Tukhachevsky và các nạn nhân khác.

Năm 1956, Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Liên Xô và Ủy ban An ninh Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã điều tra lại vụ án Tukhachevsky và các chỉ huy khác. Trong bản kết luận điều tra, Tổng Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Liên Xô đã xác định: các lời khai và các bút lục tại Tòa án Tối cao Liên Xô ngày 11 tháng 6 năm 1937 đối với Tukhachevsky và các bị cáo khác trong vụ án là hoàn toàn không có cơ sở xác định hành vi phạm tội.[41] Thông báo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô "Về việc xác minh những vụ án oan sai năm 1937 bởi các cơ quan tư pháp đối với Nikolayevich Tukhachevsky và các nhà lãnh đạo quân sự khác bị buộc tội phản quốc, khủng bố và âm mưu đảo chính quân sự",[42] nêu rõ:

2. Trong cuộc tranh chấp giữa Stalin và Nikolayevich Tukhachevsky, dựa trên cơ sở độc đoán tư tưởng, I. V. Stalin đã có các hành vi sai trái biểu hiện mối quan hệ thù địch. Ở giai đoạn sau chiến tranh, các bài báo và phát biểu về lịch sử của Tukhachevsky đã mô tả chính xác vai trò của Stalin trong cuộc nội chiến. Điều đó gây trở ngại đối với việc ca tụng vai trò của Stalin và thần thánh hóa nhân cách của ông.

3. Các nhà lãnh đạo quân sự tài năng như Nikolayevich Tukhachevsky, Yakir, Uborevich đã có những đóng góp quan trọng cho nhà nước và nền khoa học quân sự Xô Viết nhưng lại được coi là ảnh hưởng đến uy tín của Stalin. Những tin đồn mà OGPU - NKVD sử dụng làm chứng cứ cáo buộc Nikolayevich Tukhachevsky phạm tội hoạt động tình báo cho nước ngoài, chống lại Nhà nước Xô Viết là hoàn toàn bịa đặt bởi những thế lực chống Liên Xô và chủ nghĩa xã hội.

— Kết luận của UBTW Đảng Cộng sản Liên Xô., [42]

Căn cứ vào đề xuất của Viện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra quyết nghị bác bỏ tội chống Đảng, phục hồi Đảng tịch cũng như mọi quyền lợi khác cho tất cả các bị cáo.[43] Trong thập kỷ 1960-1970, các tác phẩm của ông lần lượt được tái bản, tên ông được đưa vào Bách khoa Toàn thư Xô viết ấn bản 1973. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông được nhắc đến như là một Anh hùng thời Nội chiến và nhà cải cách Hồng quân. Ở thời kỳ thập kỷ 1970 trở đi, ở mỗi thành phố lớn đều có một con đường mang tên Tukhachevsky. Ông dần được trả về một vị trí xứng đáng trong lịch sử Xô Viết.

Tuy nhiên, vị trí của ông trong sách giáo khoa của các trường quân sự trên thế giới thì không cần đến quyết định phục hồi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky http://www.findarticles.com/p/articles/mi_m3955/is... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p126990700 http://www.ausa.org/publications/ilw/Documents/mcp... http://www.hetmanusa.org/engarticle1.html http://www.pwhce.org/rus/tukhachevsky.html http://august-1914.ru/arzakanyan.html http://militera.lib.ru/bio/sokolov/index.html http://militera.lib.ru/memo/russian/gorbatov/index...